Chán ăn tâm lý là gì và có chữa trị được không?

0

Chán ăn tâm lý là gì và có chữa trị được không?

Gầy đến nỗi “da bọc xương”, yếu đến mức không nhấc nổi cơ thể, mọi nhu cầu sinh hoạt đều phải dựa vào người khác, đó là những hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh “Chán ăn tâm lý”
Chán ăn tâm lý (Anorexia nervosa), hay còn gọi là biếng ăn tâm lý, là một dạng của bệnh rối loạn ăn uống, có các triệu chứng như trọng lượng cơ thể thấp và sự bất thường trong cảm nhận về ngoại hình của bản thân, bị ám ảnh sợ hãi tăng cân.
Chán ăn tâm lý là gì và có chữa trị được không?
Người mắc chứng chán ăn biết rõ cách để giảm cân như chủ động nhịn ăn, dùng thuốc nhuận tràng, thuốc làm ăn mất ngon, nôn mửa hoặc tập thể dục rất nặng để tiêu hao năng lượng, ngoài ra họ có thể dùng thuốc ăn kiêng, lợi tiểu. Chứng bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, chỉ khoảng 10% người mắc là nam giới.
Mặc dù được liệt vào danh sách "tâm bệnh", bệnh thuộc về tâm lí nhưng hội chứng đáng sợ này lại để lại nhiều hậu quả khôn lường cho người bệnh, trong đó nguy hiểm nhất là tử vong.
Là một dạng của chứng rối loạn ăn uống, chán ăn tâm thần là sự biến thái về nhận thức hình thể, khi người mắc bệnh luôn cảm thấy mình béo hơn so với thực tế và sợ hãi việc tăng cân.
Các bệnh nhân của bệnh này cũng vô cùng nhạy cảm với những lời bình luận về cơ thể, như chỉ một lời nói "Dạo này mày béo hơn xưa" cũng có thể bị hiểu thành "Mày đang nhìn hồng hào, khỏe mạnh hơn xưa" và nó khiến họ bị ảnh hưởng vô cùng.
Vì sợ lên cân, họ tự tạo cho mình một chế độ ăn uống kham khổ, giới hạn lượng thức ăn được thu nạp vào cơ thể mỗi ngày, từ bỏ mọi thực phẩm có chứa dưỡng chất cho cơ thể.
Ở một cách cực đoan hơn, nhiều bệnh nhân còn tự móc họng, nuốt bông gòn, uống giấm hay chanh bừa bãi để khiến cơ thể không dung nạp chất dinh dưỡng từ thức ăn. Hành động này không hề hiếm gặp ở giới người mẫu, những người luôn phải chịu áp lực khủng khiếp với việc duy trì thân hình "cò hương", thứ được mặc định là đặc trưng trong ngành.
Sự ám ảnh thái quá với mong muốn sút cân được thể hiện cụ thể nhất ở các hành vi bên ngoài hay cả lối ứng xử của họ trong nhiều tình huống. Một số biểu hiện thường thấy ở người đang có vấn đề với rối loạn ăn uống có thể là:
  • Tự mình chuẩn bị thức ăn, thậm chí là có các thực đơn, bữa ăn riêng cho mình nhưng không bao giờ ăn
  • Thường xuyên bỏ bữa và từ chối dùng bữa
  • Luôn tự nhận mình không đói để không phải ăn
  • Đứng lên cân thường xuyên để xem mình có tăng cân không
  • Soi gương nhiều hơn bình thường nhằm chắc chắn rằng, mình đang gầy như mong muốn
  • Bị kích động quá mức với những chủ đề như vóc dáng, ngoại hình
  • Tập luyện quá mức
Tác động từ việc lặp đi lặp lại các hành vi trên trong một thời gian dài có thể thấy rõ lên cơ thể bệnh nhân. Người bệnh sút cân nhanh chóng và da dễ bị nhăn lại (do da chưa kịp thích ứng với sự thay đổi của cơ thể bên trong), nổi tĩnh mạch lên da, da sạm đi vì thiếu máu và rụng tóc.
Bên cạnh các biểu hiện bề ngoài, người bị rối loạn ăn uống thường phải đối mặt với chứng mất ngủ, choáng váng, suy kiệt sức khỏe và không có khả năng làm việc nặng.
Đặc biệt nghiêm trọng là khi cơ thể không được nạp đủ chất để nuôi dưỡng các cơ quan nội tạng trọng yếu, nó sẽ dẫn đến việc suy giảm chức năng, thậm chí ngừng hoạt động hoàn toàn. Như trong trường hợp của người mẫu Brazil Ana Carolina Reston, một bệnh nhân nổi tiếng của chứng biếng ăn tâm thần. Cô qua đời ở tuổi 21 do thận ngừng hoạt động sau một thời gian dài cầm hơi bằng táo và cà chua.
Khác với các căn bệnh tâm lý khác, đó là người bệnh không phát hiện ra mình bị bệnh thì những người chán ăn tâm thần nhận thức rất rõ tình trạng của mình, nhưng vẫn cố tình nhịn ăn để giữ được vóc dáng mơ ước.
Họ thể hiện cho xã hội thấy, sức khỏe của họ bình thường (thực chất là tệ hơn rất nhiều giới hạn cơ thể người bình thường cho phép) và áp đặt tư duy này lên toàn bộ cuộc sống của mình.
Giống như nhiều căn bệnh tâm lý khác, chứng chán ăn tâm thần không thể được chẩn đoán qua một nguyên nhân cụ thể mà là do nhiều yếu tố tác động vào cùng một lúc. Theo các bác sĩ ở viện Mayo Clinic, có thể có 3 tác nhân chính: yếu tố di truyền, tâm lí và yếu tố xã hội, trong đó các tác động từ xã hội là bị tranh cãi nhiều nhất.
Một số người lí giải, sự tôn sùng và chuẩn hóa cơ thể mảnh mai đã tạo áp lực lên các thiếu nữ, thành phần mà đặc biệt chú trọng về vẻ ngoài và nhan sắc của mình. Những người cầu toàn, luôn cố gắng để đáp ứng kì vọng của cộng đồng cũng là đối tượng dễ mắc căn bệnh này.
Điều trị chán ăn tâm thần là một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả bác sĩ và người bị bệnh. Do tiềm thức của bệnh nhân đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lối sống và cách tư duy lệch lạc từ trước đó, bác sĩ điều trị phải tìm cách khơi dậy sự tự tin của họ về hình thể bản thân. Việc gia đình ở bên cạnh lúc này là đặc biệt quan trọng, bởi họ sẽ là người luôn sát cánh với bệnh nhân trong thời gian điều trị ngoại trú.
Tiếp theo, các bác sĩ sẽ tập trung giúp bệnh nhân lấy lại trọng lượng cơ thể bình thường. Chế độ ăn của họ phải được theo dõi kĩ lưỡng, với sự tham gia của bác sĩ điều trị tâm lí, chuyên gia dinh dưỡng và cả gia đình. Quá trình này không thể kết thúc trong ngày một ngày hai vì cơ thể người bệnh cần có thời gian quen dần với chế độ ăn bình thường sau một thời kỳ dài bị "bỏ đói".
Lưu ý: là ở quá trình trong và sau điều trị, người bệnh cần phải giữ tư tưởng tỉnh táo, tránh bị kích động hay xúi giục bởi các tư tưởng lệch lạc. Chỉ có thế, bệnh nhân mới quay lại với lối sống bình thường và duy trì thể trạng tốt nhất.

Tin liên quan

0798 16 16 16
Design by Kingweb.vnClose